Thứ tư, 24/04/2024

Ngày 28.08: Thánh Augustinô - Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh

Cập nhật lúc 09:45 27/08/2020


1. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ
Việc kính nhớ thánh Augustin, một trong bốn tiến sỹ lớn của Giáo hội la tinh, qua đời tại Hippone ngày 28 tháng 8 năm 430, đã xuất hiện trong sách các phép thế kỷ thứ III, và ở Roma từ thế kỷ XI.
Aurelius Augustinus sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Thagaste (nay là Souk-Ahras, Algéric) ở châu Phi thuộc Roma. Là công dân Roma, con một người cha không công giáo tên Patricius và một bà mẹ công giáo tên Mônica, Augustin trước học văn phạm ở Madanre, đến năm 371, đi sang Carthage thủ phủ châu Phi Roma để theo học triết lý - Mê say đọc Hortensius của Cicéron, Augustin khám phá triết học và đam mê đi tìm chân lý. Vì nhu cầu nuôi sống gia đình ông buộc lòng nhận dạy tu từ học ở Carthage. Thời gian đó ông theo lạc thuyết Manichée trong chín năm, mong tìm được chân lý nơi tôn giáo này. Trước tiên, ông bị mê hoặc bởi giáo thuyết này tưởng có thể giải thích sự tranh chấp giữa Thiện và Ác, cái đẹp và những điều lộn xộn nơi thế giới, nhưng rồi ông thất vọng. Năm 383, Augustin bỏ Carthage sang Roma trước khi đến Milan lúc đó là thủ phủ đế quốc Roma phương Tây, tại đây ông cũng dạy tu từ. Mẹ Ngài là bà Mônica đã đến tìm gặp ông ở đây, và cũng chính tại đây, đường chuyển biến tinh thần của Augustin kết thúc nhờ thánh giám mục Ambroise mở đường cho Ngài hiểu Kinh thánh và một thứ tân Platon thuyết có vẻ đáp ứng niềm khát mong chân lý nơi Ngài. Giờ đây Augustin đã sẵn sàng cho bước nhảy tới Chúa, tức là trở lại.
Một giai thoại nhiều người biết xảy ra trong vườn nhà Ngài ở Milan đã được thánh nhân kể trong quyển Tự Thuật: “Tâm hồn đau đớn, con tim tan nát, tôi đang khóc, bỗng tôi nghe từ nhà bên cạnh tiếng hát của một người con trai hay con gái không rõ. Tiếng hát không rõ nhưng nghe lặp nhiều lần: Tolles, lege. Tolles, lege (Cầm lên, đọc đi ! Cầm lên, đọc đi !). Vậy nên tôi vội vã đến chỗ Alypius ngồi, tôi cầm lấy cuốn sách của Thánh Tông đồ, mở ra và im lặng đọc khúc đầu tiên bắt gặp: Đừng chè chén say sưa, đừng chơi bời dâm đãng, cũng đừng cải cọ ghen tuông. Trái lại hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng (Rm 13,13)... Chính lúc này, như có một luồng sáng tỏa lan hồn tôi phá tan mọi bóng tối nghi ngờ” (XIIII,12). Tám tháng sau, thánh Ambroise rửa tội cho Ngài trong đêm Phục sinh đêm 24 rạng sáng ngày 25 tháng tư năm 387.
Năm 388 sau khi mẹ qua đời tại Ostie, Augustin trở về Thagaste ở châu Phi cùng với ông bạn Alypius và Adeodat con trai. Mong ước cuộc sống chuyên tu, Augustin tập hợp một số bạn hữu lại và cùng sống đời dòng tu, chuyên nghiên cứu và cầu nguyện trong ba năm (388-391), sau đó, thể theo đề nghị của giáo dân Hippone, Augustin thụ phong linh mục để giúp đỡ Đức giám mục Valère. Năm 395 Ngài thụ phong giám mục và một năm sau, kế vị Đức giám mục Valère làm giám mục Hippone, thành phố lớn thứ hai châu Phi. Từ đây, trong suốt ba mươi lăm năm trong đại thánh đường An Bình, Ngài chú giải Thánh vịnh và các Sách thánh, ngồi tòa xử án, theo dõi việc quản trị tài sản Hội thánh, trả lời các thư tín đến từ khắp phương Tây, biện luận đã kích lạc giáo, đặc biệt là phái Donatus và Pélagius.
Cùng với các giáo sỹ của mình sống đời tu trì, thánh Augustin cũng sáng tác một số tác phẩm rất quan trọng, như Confessions (397-401), Giáo lý dự tòng (400), Giáo lý công giáo (394-416). Đối với phái Donatus vẫn tự phụ là Giáo hội của những người Trong Trắng, thánh thiện, Ngài dùng nhiều thái độ khác nhau liên tục, khi diễn thuyết, lúc tranh luận cho đến một cuộc tranh luận phản biện tại Carthage năm 411 dưới sự chủ tọa của một đại diện hoàng đế đã đến kết luận rằng người công giáo mà Augustin là phát ngôn nhân, thắng. Từ đó những người theo phái Donatus bị cảnh sát hoàng đế truy đuổi. Với phe Pélagius (bị Roma kết án năm 417), Augustin chứng tỏ là một tiến sỹ lớn về ân sủng và tiền định. Cũng trong thời gian đó một số tác phẩm khác ra đời: Đô thành Thiên Chúa (413-424), Chúa Ba Ngôi (399-422). Cuốn những lời phản biện (Rétractations) viết vào những năm cuối đời (426-427) là chứng tá đức khiêm tốn thánh Augustin: “Tôi đọc lại các tác phẩm thô hèn của mình và nếu có đoạn nào gây cho tôi hoặc có thể gây cho người khác khó chịu thì lúc đó tôi lên án nó, có lúc phải giải thích ý nghĩa cần có để biện minh cho nó”.
Những năm cuối đời của thánh Augustin nhuốm màu ảm đạm vì châu Phi Roma và Hippone, thành phố có toà giám mục của Ngài bị người Vandales vây hãm và xâm chiếm; lúc này đã bảy mươi sáu tuổi, thánh Augustin giám mục vẫn cần mẫn chu toàn bổn phận giáo huấn và quản trị, đồng thời lo cho rất nhiều người di cư đến tìm trốn tránh tại thành phố. Tháng thứ ba kể từ ngày thành phố bị vây hãm, Người bị bệnh và qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430, trối các sách vở của mình lại cho Giáo hội Hippone. Mười lăm tháng sau khi người Vandales chiếm thành phố, mộ và thư viện thánh Augustin vẫn được tôn trọng.
Các ảnh tượng về thánh Augustin rất nhiều chứng tỏ ảnh hưởng lan tỏa lạ thường của sự thánh thiện và giáo lý Người, đặc biệt là các tác phẩm của Fra Angelico và G.de Crayer (Louvre) và G.Coustou (Versailles).

2. Thông điệp và tính thời sự
Lời nguyện trong ngày van xin Thiên Chúa cho chúng ta được tràn đầy tinh thần của thánh Augustinô, chỉ khao khát mỗi mình Thiên Chúa và chỉ tìm Người vì Người là nguồn của sự khôn ngoan. Đề tài tìm kiếm chân lý là trọng tâm của đời sống thánh nhân; ngài nói với Cassiciacum: “Tâm hồn con xin nói Ngài: Con đã đi tìm nhan thánh Chúa ! Lạy Chúa ! cho đến bây giờ, con vẫn đi tìm nhan thánh Ngài !”(Tự thuật IX,3).
Trong bản văn Phụng vụ giờ kinh, vị thánh tiến sĩ thành Hippone ca tụng chân lý: “Chí có tình yêu mới có thể nhận ra chân lý. Ôi chân lý vĩnh hằng! Ôi tình yêu vĩnh cửu, Ôi sự đời đời đáng yêu! Ngài là Thiên Chúa của con, con khao khát Chúa đêm ngày...Cuối cùng con đã được ôm lấy Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người , Đức Giêsu Kitô!...Chính Người đã gọi chúng con và nói rằng: Ta là Đường, là sự Thật và là sự sống” (Tự thuật VII, 10.18). Bài đọc này trích đoạn nổi tiếng mà chúng ta gặp trong điệp ca Magnificat: “Ôi sự đẹp đẻ vừa cổ kính vừa mới lạ, Con đã yêu Người quá trễ tràn! nhưng bây giờ: Ngài ở trong con, trong khi con còn ở bên ngoài, và ở bên ngoài con lại đi tìm Chúa...Chúa luôn ở với con, còn con con không ở với Chúa...Ngài đã gọi con, đã kêu lớn tiếng, cuối cùng Chúa đã thắng sự điếc lát của con; Chúa tỏ sáng, Chúa bừng lên và Chúa đã xua đuổi sự tối mù của con...” (Tự thuật; Chúa tỏ sáng, Chúa bừng lên và Chúa đã xua đuổi sự tối mù của con...) (Tự thuật X,27).
Sự khôn ngoan của thánh Augustinô được nhận thấy trong Lề luật viện tư tưởng, xuất phát từ những giáo huấn trong một lá thư của thánh tiến sĩ, được phổ biến rộng rãi vào thời Trung Cổ. Bản Luật này cũng ảnh hưởng trên thánh Bênêđíctô, sau đó là các kinh sĩ của thánh Phanxicô và thánh Đaminh. “Từ một trái tim duy nhất và từ một tâm hồn duy nhất, hướng về Thiên Chúa” luôn là luật căn bản, như lý tưởng của chính cộng đoàn tiên khởi (x. Cv 2,42-47).

Lời nguyện trên lễ vật rút cảm hứng từ Chuyên luận về thánh Gioan (26,13): “Lạy Chúa, ước gì bí tích tình yêu của Chúa trở thành dấu chỉ sự hiệp nhất và dây bác ái cho chúng ta.” Thánh Augustinô, sống trong một Giáo Hội bị xâu xé vì lạc giáo, đã dấn thân trong suốt thời làm Giám Mục để tạo lại sự hiệp nhất, và vì “ngoài Hội Thánh không có ơn Cứu Độ!” (Về bí tích Rửa tội 4,17,24); ngài khuyến khích: “Chúng ta hãy yêu Thiên Chúa như người cha và yêu Hội Thánh như người mẹ...Thiên Chúa như Đức Chúa và Hội Thánh như tớ nữ, vì chúng ta là con của tớ nữ này; hôn nhân này được đặt nền tảng trên một tình yêu vĩ đại; không ai được xúc phạm đến vị hôn thê và xứng đáng lãnh nhận tình bạn của hôn phu.” Một trích đoạn của “Thành đô Thiên Chúa”: “Mỗi ngày, Hội Thánh khi dâng hiến Đức Kitô, cũng học hỏi để tự dâng hiến chính mình” (X,20).

Lời nguyện Hiệp Lễ lấy cảm hứng từ các Bài giảng của thánh nhân (57,7) làm nổi bật một khía cạnh khác của giáo lý thánh Augustinô: bí tích Thánh Thể giúp chúng ta đồng hình đồng dạng với Đấng mà chúng ta rước lấy. Vì thế chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho việc thông phần vào Bàn Tiệc thánh hóa chúng con, để một khi chúng con là chi thể của Nhiệm Thể của Người, chúng con thật sự trở thành điều chúng con đã lãnh nhận.”
Thánh Tiến sĩ Ân sủng, vì đã chống lại nhóm Pelagius, cũng là kẻ bảo vệ tự tự do của con người, vì sự tự do này không bị sự toàn năng của Thiên Chúa bóp nghẹt, nhưng ngược lại được nâng lên thật cao quí, vì Thiên Chúa một khi đội mão triều thiên cho công nghiệp của chúng ta (nhờ ân sủng) thì cũng đội triều thiên cho chính ân sủng của Người (sự tự do).
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố về thánh Augustinô: “Tất cả phẩm chất của các Giáo phụ nổi bật trong thánh nhân ở mức độ tuyệt diệu nhất.” Thật vậy, không ai trình bày về Hội Thánh như ngài. Say mê Thiên Chúa và con người, ảnh hưởng của ngài có thể nói là nổi bật nhất trong phạm trù công giáo.

Enzo Lodi
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log